Chủ đề về vấn đề pin iPhone và hướng dẫn sạc sao cho đúng thật ra có khá nhiều thông tin và đến từ nhiều nguồn khác nhau. Là một người sử dụng, chúng ta cũng mong muốn có thể dùng thiết bị điện thoại trong thời gian lâu nhất có thể để tiết kiệm các chi phí mua mới hay sửa chữa. Tuy nhiên, do các nguồn thông tin quá nhiều khiến ta bị rối, những việc ta cho rằng đã làm đúng có khi lại sai và ngược lại.
Mình chắc chắn rằng các bạn đã nghe rất nhiều lời truyền miệng về việc tiết kiệm pin iPhone hay cách sạc thế nào cho đúng? Sạc qua đêm có làm tổn hại đến pin iPhone không? Tắt các ứng dụng đang chạy nền có thật sự tốt? Trong bài viết này, mình xin chia sẻ các thông tin được cập nhật mới và cách sạc pin đúng.
Tắt các ứng dụng chạy nền để tiết kiệm pin?
Thường sau khi sử dụng từ 2-3 ứng dụng, ta có xu hướng tắt hẳn các ứng dụng đang chạy nền này đi vì ta tin rằng làm như vậy là tiết kiệm pin. Tuy nhiên, nếu bạn cần mở lại ứng dụng đó sau một thời gian ngắn, hãy giữ nguyên ứng dụng này trong nền.
Lí do là vì khi chạy sẵn trong nền, iPhone chỉ việc kích hoạt trở lại cho ứng dụng này. Nhưng nếu bạn đã tắt hẳn trong nền rồi, iPhone phải tiến hành tải lại toàn bộ nội dung thông tin, hình ảnh,… So sánh đơn giản từ việc này, ta nhận thấy iPhone sẽ làm việc nhiều hơn và pin giảm đi nhanh hơn.
Sạc pin qua đêm là không tốt?
Lời truyền miệng này mình chắc rằng các bạn nghe được nhiều nhất. “Sạc qua đêm sẽ khiến pin bị chai vì thời gian cắm sạc lâu quá mức cần thiết”. Nhưng thật chất thì sao?
Với các dòng máy iPhone và hệ điều hành sau này, phía nhà sản xuất Apple cũng rất lưu tâm về vấn đề này và đưa ra cải tiến liên tục. Ví dụ như tính năng “Sạc pin được tối ưu hoá” mà mình đã nhắc đến trong bài viết trước đây. iPhone sẽ giữ mức pin là 80%, sau đó dựa vào tính toán thời gian sinh hoạt thường ngày của bạn, rồi mới để pin tiếp tục sạc lên mức 100%. Thậm chí khi sạc đến 100%, pin iPhone sẽ tự động ngăn bớt dòng điện chạy vào máy.
Do vậy, thực chất việc cắm sạc điện thoại iPhone qua đêm không làm ảnh hưởng xấu đến pin như ta đã tưởng.
Chế độ nguồn điện thấp có giúp ích trong việc kéo dài thời gian sử dụng điện thoại?
Khi pin iPhone còn lại 20-30%, iPhone có gợi ý việc dùng chế độ nguồn điện thấp. Đây là một minh chứng rõ ràng trong việc giúp ích kéo dài thời gian sử dụng. Tuy nhiên, cần lưu ý một điểm rằng, nếu bạn để máy ở chế độ này và chỉ để dùng mạng xã hội hay nhắn tin, không có vấn đề lớn gì xảy ra; nhưng nếu bạn vẫn cần phát video, lướt web nhiều, để máy ở chế độ này sẽ khiến máy chạy chậm hơn và kiềm hãm năng suất của máy.
Vì vậy, tuỳ vào nhu cầu sử dụng, bạn nên cân nhắc khi bật chế độ nguồn điện thấp này nhé.
Lưu ý khi dùng sạc không dây
Khi chúng ta cần sạc pin cho điện thoại iPhone, chắc hẳn bạn nhận thấy rằng máy sẽ nóng lên, thể hiện cho việc năng lượng đang được truyền vào máy. Do đó, nếu bạn có sử dụng ốp lưng không hỗ trợ cho việc sạc không dây, hãy tháo điện thoại bạn khỏi ốp lưng trước khi đặt lên nguồn sạc. Ốp lưng sẽ khiến điện thoại tích tụ nhiệt và trở nên rất nóng, việc này ảnh hưởng trực tiếp đến pin trong thời gian lâu dài bởi nguồn nhiệt cao là kẻ thù lớn của pin iPhone.
Lưu ý khi dùng sạc có dây
Để sạc pin iPhone được tốt nhất, có thể không cần cốc sạc iPhone nhưng tối thiểu bạn cần cáp sạc chính hãng của nhà Apple. Cáp sạc này sẽ đảm bảo dòng điện vào máy là ổn định nhất. Do vậy, trong bất kì trường hợp nào, bạn có thể không mang cốc sạc hay mượn bạn bè nhưng phải mang cáp sạc theo bên mình nhé.
Ngoài ra, tính năng “Sạc pin được tối ưu hoá” là một bước phát triển lớn của iPhone nên mình khuyên các bạn hãy kích hoạt và sử dụng tính năng này nhé. Vào Cài đặt —> chọn Pin —> Tình trạng pin và đảm bảo Bật ở chế độ “Sạc pin được tối ưu hoá”.
Tạm kết:
Như vậy, trong bài viết này, mình đã tổng hợp một vài lời truyền miệng về sạc pin iPhone mà có thể bạn phân vân do có quá nhiều nguồn thông tin khác nhau, cũng như đưa ra lời giải thích và cập nhật các thông tin mới. Nếu vẫn còn thắc mắc hay ý kiến nào, hãy để lại bình luận bên dưới nhé!
Theo: CellphoneS
The post Những điều cần lưu ý về pin và cách sạc pin cho iPhone appeared first on Blog Tùng Xêko.